07 juillet, 2014

Comme d'habitude

      Trên sợi dây tuyến tính thời gian của cuộc đời mỗi người, có biết bao nhiêu thói quen được hình thành, rồi được thay thế bằng những thói quen khác. Có những thói quen chỉ là thói quen, đơn điệu, ta làm theo như một chu trình của cuộc sống… Tôi sẽ bắt đầu kể câu chuyện của mình.




      Mỗi 2 tuần vào thứ 5 và thứ 7, cô gái thức dậy khi tiếng chuông báo thức đầu tiên reo lên, khi mà đúng bốn mươi hai phút sau, cô sẽ đón chuyến bus đầu tiên trong ngày để đến trường. Cô vẫn lại bước lên phía cửa trước của chiếc xe, rồi đi qua hàng ghế đầu, chính xác là cái ghế đầu tiên ở vị trí cao nhất, nơi anh chàng đồ đen bí ẩn đã lên từ bến bus trước rồi sẽ cùng lúc bước xuống trạm dừng mang tên Tscholoscovaque 5 bến tiếp theo. Hai sinh viên cùng khoa, một Tây một Việt bước song song, không ai nói với ai lời nào, qua ngã tư, dừng tại cột đèn, đợi khi hình người đi bộ chuyển sang màu xanh thì bước tiếp về phía cồng trường. Ngay cửa vào sân trường, chàng trai sẽ đi tiếp vào trong, thẳng đến Amphi B, còn cô gái châu Á kia sẽ dừng lại ở trước máy cà phê tự động, bỏ vào đồng xu 50 centimes, chọn một cốc « Cappucino saveur noisette » rồi quay ngược về phía amphi B, đến dãy bàn thứ tư, ngồi ở vị trí số 4 ngay sau chàng trai…. Cứ thế, một năm học trôi qua, cô gái vẫn đón chuyến bus kia, chuyến bus cùng chàng trai áo đen bí ẩn.



      Đó là một câu chuyện không đầu không cuối, chỉ là sự lặp đi lặp lại…tưởng chừng như đơn giản để rồi một ngày vắng đi thói quen kia, ta cảm thấy thiếu mất đi thứ gì đó. Thói quen đã hơn là một thói quen. Thói quen trở thành động lực để cô gái có thể thức dậy vào mỗi buổi sáng, dù cho ngày thu gió lạnh hay mùa đông tuyết phủ buốt giá trên những con đường. Rồi khi mùa hè rực rỡ trở lại, cô gái tiếc nuối vì không còn cái cảm giác mong đợi dễ thương kia. Trên quãng đường từ nhà đến trường, iPod của cô gái luôn vang lên ca khúc “Comme d’habitude”. Ca khúc cứ dồn dập vang lên mỗi ngày qua giọng ca của Claude François.





          Comme d'habitude là một bản nhạc không xa lạ, nếu chỉ nghe giai điệu thôi thì hẳn không ai không nghĩ đến My Way được thể hiện qua giọng blue buồn và vô cùng truyền cảm của danh ca người Mỹ Frank Sinatra. Nhưng ít ai có thể biết My Way chỉ được Paul Anka chuyển soạn lại lời tiếng Anh sau khi ca khúc tiếng Pháp ra đời ít lâu. Bản thân Comme d'habitude cũng có số phận khá "lận đận". Bản nhạc ban đầu được Jacque Revaux biên soạn với cái tên "For me" vào tháng 6 năm 1967. Ông đã đề nghị Hervé Villard, lúc đó đang rất nổi tiếng với "Capri c'est fini" thể hiện, nhưng nam ca sĩ đã từ chối. Từ đó, "For me" bị chìm vào quên lãng cho đến khi Claude Francois tình cờ nghe được giai điệu của ca khúc vào một ngày đẹp trời bên bờ một dòng sông nhỏ cùng nhạc sĩ Jacques Reveaux và Gilles Thibaut. Lấy cảm hứng từ mối tình 3 năm vừa tan vỡ của mình với cô đào " Poupée de cire, poupée de son" Frank Gall, Claude François đã viết lời và tạo nên nhạc phẩm "Comme d'habitude" bất hủ.



           "Comme d'habitude" giống như một bản ghi nhớ những thói quen của đôi tình nhân khi ở bên nhau, nó mang đến một trải nghiệm buồn tiếc, dằn vặt của sự tan vỡ, của những cử chỉ yêu thương đã không còn nữa. Còn lại đây, trên đời, sau sự tan vỡ, là vết thương và mối tình sầu.





Thói quen, đã trở thành một điều gì đó mang lại dư vị ngọt ngào, quý giá, nó trở nên quen thuộc mà đôi khi người ta cho rằng nó thật đơn điệu. Nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó, không phải ai cũng biết được nó đáng được trân trọng thế nào cho đến khi nó được thay thế bằng một thói quen, một việc quen thuộc khác. Đặc biệt hơn nữa, khi nó xuất phát từ tình yêu.  Đó là những “habitudes” chứa chan tình yêu, cảm xúc và tạo ra những kí ức không thể phai mờ. 


Cả bài hát là hoài niệm về một ngày thường nhật của hai người yêu nhau, mà ở đây, ngôi thứ nhất thuộc về chàng trai. Anh kể lại chuyện tình của mình với ca từ đơn giản, mộc mạc, những hành động không cầu kì, không lãng mạn, nó đời thường đến mức ta cảm giác như có thể chạm vào đó, như thể đang xem một bộ phim có tựa "One day". Nam diễn viên chính, ngồi bên bờ sông quên lãng nhưng dòng chảy lững lờ không thể chảy trôi hết quá khứ, anh hoài tưởng về một ngày, một ngày như mọi ngày.
 

Je me lève

Et je te bouscule

Tu n'te réveilles pas
Comme d'habitude 
Tôi thức giấc
Tôi lay em dậy
Em vẫn ngủ say
Như mọi khi

 Sur toi
Je remonte le drap
J'ai peur que tu aies froid
Comme d'habitude 
Trên vai em
Tôi đắp lại tấm chăn mỏng
Sợ rằng em sẽ bị lạnh
Như vẫn vậy

Ma main
Caresse tes cheveux
Presque malgré moi
Comme d'habitude 
Bàn tay tôi
Vuốt tóc em
Mặc cho đó là tôi
Như mọi khi
  
Mais toi
Tu me tournes le dos
Comme d'habitude 
Nhưng em
Em quay lưng lại với tôi
Như mọi khi.
 


          Với hai người yêu nhau, có lẽ không có gì hạnh phúc hơn khi mỗi sáng thức dậy, ta thấy người mình yêu bên cạnh, ngủ say, an toàn với một nụ cười khẽ lay động đôi môi vì một giấc mơ xa xôi nào đó. Claude Francois hành trình ngược kí ức bằng một buổi sáng sớm. Những câu ngắn, đơn giản, những hành động của anh với cô gái mình yêu như cho ta thấy cô là cả thế giới đối với anh, trong thế giới đó, không có gì có thể đụng đến giác quan của anh ngoài cô: mái tóc, bờ vai, tấm lưng trần. Anh có quan tâm đến bầu trời, thời gian, ánh nắng đâu? Có gì quan trọng hơn người yêu đang nằm cạnh mình. Tình yêu của Claude Francois, đơn giản, tinh tế qua ngôn từ và khúc triết qua cảm xúc. Đó là thói quen của anh mỗi sáng thức dậy, được nhấn mạnh cuối mỗi câu bằng cụm "Như mọi khi" (Comme d’habitude). Nhưng nó đâu đơn giản như thói quen đi chuyến xe bus số 23 đến trường, hay ngồi sau lưng một người lạ suốt một năm trời, nó là thói quen mà nhân vật nam đã và luôn muốn được lặp lại trong cả cuộc đời của mình.


          Những hành động đó của anh là điều anh làm hàng ngày, và cô gái vẫn say ngủ như mọi khi. Anh kể tiếp câu chuyện một ngày của mình:


Alors
Je m'habille très vite

Je sors de la chambre
Comme d'habitude 
Thế rồi
Tôi thay áo quần thật nhanh
Tôi ra khỏi phòng
Như mọi khi
  
Tout seul
Je bois mon café
Je suis en retard
Comme d'habitude
Một mình
Tôi ngồi cà phê
Và tôi lại trễ giờ
Như thường lệ.
  
Sans bruit
Je quitte la maison
Tout est gris dehors
Comme d'habitude
Không một tiếng động
Tôi rời nhà
Ngoài trời xám xịt
Như mọi khi
J'ai froid

Je relève mon col
Comme d'habitude
Tôi lạnh
Tôi kéo lên cổ áo mình
Như mọi khi


Trở lại với cuộc sống thường ngày, anh bắt đầu làm những điều cho riêng anh trước khi bắt đầu một ngày làm việc: quan sát thời tiết, uống cafe, đọc báo, rồi cảm nhận cơn lạnh. Luôn luôn là vậy, trong tình yêu, ta như sống giữa ở hai thế giới tách biệt, thế giới có em, và thế giới không có em. Khi không có em, những việc thường lệ trở thành thói quen, thói quen đơn thuần là thói quen, nó chẳng có gì đáng kể, nó chỉ đáng kể vì nó chứng tỏ rằng, khi không có em, có người yêu, người ta cảm thấy trống trải và cô đơn, như màu trời xám xịt, như đi làm trễ giờ, liệu còn gì quan trọng nữa. Ta chỉ đơn giản là tiếp tục chu trình sống, có duy nhất một điều chung ở thế giới có em và thế giới không em, là ta vẫn tiếp tục sống trong sứ mệnh được sinh ra, trưởng thành và chết của một đời người.



 
Comme d'habitude
Toute la journée

Je vais jouer
A faire semblant
Comme d'habitude
Je vais sourire
Comme d'habitude
Je vais même rire
Comme d'habitude
Enfin je vais vivre
Comme d'habitude
Như mọi khi
Suốt một ngày
Tôi sẽ diễn
Lúc nào cũng giống vậy
Như mọi ngày
Tôi sẽ cười thật tươi
Như mọi khi
Thậm chí tôi cười phá lên
Như mọi khi
Rồi tôi sẽ sống
Như vẫn vậy.
 
Một khổ nhạc có vẻ đầy niềm vui, nhân vật nam sống như ai cũng phải vậy để lấp đầy dòng chảy thời gian của mình. Anh chơi, anh cười và anh thấy mình sống. Dàn nhạc được đẩy nhanh, những note nhạc được chơi ở nốt cao, giọng Claude cũng từ đó đầy năng lượng, giọng được kéo căng, nó là sức sống, và một thế giới có lẽ vẫn vui tươi dù không có em. Nhưng có thật thế không? Đó thật ra chỉ là sự cố gắng, cố gắng để qua ngày, cố gắng những thời điểm chỉ có một mình. Sự vui vẻ của anh chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài. Anh chỉ chờ đến khi ngày trôi đi để có thể trở về nhà, để gặp người mình yêu, để hôn lên đôi môi êm ái đó và ôm chặt thân thể đó trong vòng tay mình.


Et puis
Le jour s'en ira
Moi je reviendrai
Comme d'habitude
Và rồi
Ngày cũng trôi đi
Tôi sẽ quay về nhà
Như mọi khi
 


         
           Một bộ phim thì không bao giờ có được một diễn biến trôi chảy, êm đềm, đơn giản như vậy. Nhân vật nam như một thói quen mong đợi đến giờ trở về để gặp người mình yêu. Nhưng, như một nghịch lý của cuộc đời, mà cuộc đời này vốn tập hợp vô vàn những phi lý hiện sinh của sự tồn tại,  anh biết người mình yêu chưa về, cô ấy đi chơi chưa về. Biết mà vẫn mong đợi đã là phi lý. Cùng là hai tâm hồn yêu nhau, nhưng một người mong đợi từng giây phút để được ở cạnh nhau, còn một người dường như trong sự vô tâm và ham vui, quên mất người yêu mình. Day dứt như mối tình của Claude cùng Frank, khi cô đang ở đỉnh cao của tuổi trẻ, của tài năng, của sự xinh đẹp. Cuộc sống cô ngoài Claude còn là ánh đèn sân khấu, những buổi tiệc tùng thâu đêm.  Nghịch lý đó xoáy sâu vào nỗi buồn của chàng trai, làm chàng phải khóc, những giọt nước mắt đàn ông được giấu kín vào bên trong nhưng đầy đau khổ. Giọng hát quay về tự sự như giai điệu đầu bản nhạc, vòng lặp của nỗi buồn trở lại, hành động quen thuộc lại tiếp diễn.
 
Toi
Tu seras sortie

Pas encore rentrée
Comme d'habitude
Em
Em vẫn đang vui đùa ở ngoài
vẫn chưa quay về
Như mọi khi
  
Tout seul
J'irai me coucher
Dans ce grand lit froid
Comme d'habitude
Một mình
Tôi sẽ đi ngủ
Trên chiếc giường lớn lạnh lẽo
Như mọi khi
Mes larmes
Je les cacherai
Comme d'habitude
Những giọt nước mắt của tôi
Tôi giấu đi
Như mọi khi
 

Điệp khúc đến, Claude Francois lại cuốn người nghe vào giai điệu mạnh mẽ, vui tươi. Trong giọng hát lúc này là niềm vui không kể siết, vì em trở về, sự chờ đợi đã có kết quả, nụ cười của em, thân thể của em, nụ hôn của em. Tất cả như xóa hết đi nỗi buồn xa vắng, xóa hết đi sự mong nhớ và đợi chờ. Tình yêu lớn hơn bản năng, vì với bản năng ta biết và ta phải cân nhắc suy xét để bản năng có được phép xuất hiện trong một tình huống cụ thể nào đó hay không, còn tình yêu, nó vượt qua hết mọi sự xét đoán, rào cản của lý trí, nó phá tan mọi tường thành của do dự. Khi cảm xúc thăng hoa, tình yêu khiến chàng trai đi vào thế giới diệu kì của mình, được hôn và được ân ái với sự toàn vẹn nhất.

Mais comme d'habitude
Même la nuit

Je vais jouer
A faire semblant
Comme d'habitude
Tu rentreras
Comme d'habitude
Je t'attendrai
Comme d'habitude
Tu me souriras
Comme d'habitude
Thế mà vẫn như mọi khi
Kể cả lúc đêm xuống
Tôi sẽ chơi trò
Vẫn giống như thế
Như mọi khi
Em sẽ trở về
Như mọi khi
Tôi sẽ chờ em
Như mọi khi
Em cười thật tươi với tôi
Như mọi khi

Comme d'habitude
Tu te déshabilleras
Oui comme d'habitude
Tu te coucheras
Oui comme d'habitude
On s'embrassera
Comme d'habitude
Như mọi khi
Em sẽ cởi bỏ áo quần
Uh thì như mọi khi
Em đi ngủ
uh như mọi khi
chúng ta sẽ trao nhau những nụ hôn
Như mọi khi

Comme d'habitude
On fera semblant
Comme d'habitude
On fera l'amour
Oui comme d'habitude
On fera semblant
Comme d’habitude
Như mọi khi
chúng ta làm như thế
Như mọi khi
Chúng ta sẽ ân ái
như mọi khi
Chúng ta sẽ làm như vậy
Như mọi khi


 
Nhưng đó mới là bi kịch, bi kịch của tình yêu thì ngay cả những vở kịch Hy Lạp cũng không nói đủ, và cũng không thể làm khuôn mẫu. Vì bi kịch tự thân nó quá lớn và mang đến những hoài tiếc khôn cùng cho sự mất mát. Nhân vật nam kể lại một ngày của mình, với thói quen, những hành động quen thuộc, nhưng lồng vào đó là cả bức tranh ám đầy màu sắc lúc vui, lúc buồn, là sự cô đơn quá lớn ở thời hiện tại khi anh chỉ còn một mình, khi người anh yêu đã không còn bên anh nữa. Có thể nhận thấy, các động từ ở được chia ở thì tương lai, tất cả chỉ diễn ra trong suy nghĩ của tác giả. Khi tình yêu không còn, cứ mỗi ngày như vậy, chàng trai lại suy nghĩ về người yêu, về những thói quen đã mất, về những gì anh sẽ làm. Sự đan xen thời gian, cảm xúc thực tại và quá khứ qua cách kể chuyện đơn giản, ta như lạc vào tâm trạng của Claude, quay vòng và ám ảnh không dứt. Bài hát cuối cùng mang đến một ảo ảnh dĩ vãng, để rồi dù cho khi hát, Claude lúc vui lúc buồn, cảm xúc về những gì đã mất vẫn thật đầy đặn và cảm động.




             Tình yêu, đến và đi là lẽ thường của cuộc đời, ai cũng biết vậy, nhưng dường như chẳng ai có đủ mạnh để có thể khống chế cảm xúc của mình khi tình yêu ra đi. Trịnh Công Sơn có câu hát thật đắt giá "một ngày như mọi ngày, quanh đời mình chợt tối". Bóng tối đi, bủa vây trái tim và tâm trí ta khi kí ức về mối tình đã qua ùa về, như thác đổ, ta không thể kiểm soát nó, ta chìm dần vào bóng tối, nơi ảo ảnh của kí ức hiện ra, nơi ta nhìn thấy người mình yêu, nụ cười hé nở trên đôi môi hồng rực. Người yêu, là phi lý là, ảo ảnh của ta, nhưng ta không thể làm sao chạm vào nữa rồi, nó xa vời và đã mãi là quá khứ. Thói quen, hành động thân thuộc nào rồi cũng chỉ tồn tại trong giới hạn của nó, nhưng khi nó gắn với tình yêu, thì nó sẽ ở lại mãi, như một bông hoa dù héo úa nhưng sẽ luôn giữ được hình dáng của mình trong sự tàn tạ.




Musique : Jacques Revaux
Paroles : Claude François & Gilles Thibault
  
H.X.T.K

03 juillet, 2014

Les Valses de Vienne

Bài hát nhạc Pháp nổi tiếng cuối thập niên 1980 khơi gợi những cảm xúc hoài niệm về tình yêu đã mất thông qua điệu nhảy phổ biến theo nhịp 3/4.

Valse là điệu nhạc hầu như ai cũng từng nghe nói đến hoặc từng thấy vì tính phổ biến và sự dễ dàng để thực hành. Với sự ôm sát của cơ thể người nam và người nữ trong nhịp xoay vòng nhanh, điệu nhạc đã trở thành cảm hứng để các nhạc sĩ viết nên những tác phẩm đầy tình cảm.
Bất kỳ ai từng xem bộ phim Fanfan, có nữ diễn viên xinh đẹp Sophie Marceau tham gia, đều ấn tượng bởi cảnh quay trong phòng kiêu vũ. Dưới âm nhạc của điệu Valse, minh tinh Pháp mặc chiếc đầm trắng như váy cưới, ôm lấy chàng trai của mình, khuôn mặt hạnh phúc. Họ nhảy bên nhau điệu Valse kéo dài mãi. Những cú máy quay từ trên cao xuống ghi lại khuôn mặt Sophie đang ngước lên với đôi mắt sáng ngời như nhìn thấy tình yêu bất tận.
Sophie Marceau nhảy điệu Valse trong phim "Fanfan".
Sophie Marceau nhảy điệu Valse trong phim "Fanfan".
Les Valses de Vienne là bản nhạc được thu âm vào năm 1989 bởi ca sĩ người Pháp François Feldman, đứng thứ 38 khi mới phát hành và đứng thứ nhất trong 4 tuần liên tiếp trên bảng xếp hạng âm nhạc ở Pháp. Những con số không nói lên cảm xúc nhưng đủ khiến người nghe tò mò để tìm hiểu một bản nhạc Pháp.
Khi nghe, ta tự hỏi tại sao một bản nhạc với tiết tấu không hề phức tạp, không có sự cầu kỳ của nhạc cụ lại có thể trở nên được yêu thích như vậy. Ngoài việc có giai điệu đẹp, dễ nghe và tạo ra những cảm xúc nhất định cho bất kỳ ai kể cả những người không hiểu tiếng Pháp, bản nhạc còn có một thứ khác rất “Pháp” khiến cho những người Pháp hay những người yêu Pháp thích thú, là sự chơi chữ của lời bài hát.
Những hình ảnh ẩn dụ xuất hiện trong bài hát là những vần thơ theo đúng tinh thần của Pháp, tinh thần của Baudelaire, của Rimbaud, có một chút siêu thực, một chút u sầu, một chút mỉa mai, một chút châm biếm, một chút lãng tử...
“… Du pont des supplices
Tombent les actrices
Et dans leurs yeux chromés
Le destin s’est brouillé
Au café de Flore
La faune et la flore
On allume le monde
Dans une fumée blonde…”
“… Rơi từ cây cầu của đau khổ
Những nữ diễn viên bội bạc
Và trong đôi mắt kẻ màu bạc
Đệnh mệnh đã nhạt nhoà
Từ quán cà phê Flore
Ta thắp sáng nên cả thế giới
Nơi có đồng nội và hoa cỏ
Trong màn khói thuốc mờ vàng…”
Ngay khổ đầu tiên, tiếng dâng lên của violin trong day dứt của hợp âm bị chặt mạnh trên khuông đàn như xuất hiện nỗi buồn u uẩn. Sự rộn ràng giả điệu ban đầu như càng làm tăng thêm đau thương của nhân vật. Trong tiếng hát buồn bã, nhân vật đã dùng đến hình ảnh Pont des Supplices (một cây cầu tượng trưng cho sự không chung thủy) khi những người đàn bà phấn son coi tình yêu như những trò chơi, những màn diễn trên sân khấu kịch của cuộc đời bị ném xuống dòng sông sâu thẳm bên dưới.
Điệu Valse được coi là điệu nhảy của tình yêu.
Điệu Valse được coi là điệu nhảy của tình yêu.
Người đàn ông oán trách về sự phũ phàng của người phụ nữ anh yêu, người đã chạy theo sự phù phiếm của cuộc đời, để lại trong anh một cuộc đời trống hoác với một đứa con gái không đủ bù lấp sự hụt hẫng của một tình yêu sâu nặng. Hồi ức trở về qua những cuộc gặp gỡ ở quán cafe de Flore hay những buổi đi dã ngoại với thời tiết tuyệt đẹp, bầu trời thiên nhiên đầy sức sống, những khuôn mặt cười hạnh phúc.
Ở đó, cuộc sống như một giấc mơ, nơi thế giới dường như đối với họ không có bóng tối, không có những trăn trở thường nhật, chỉ có tình yêu, được thắp sáng vĩnh cửu. Nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh giống như Trịnh Công Sơn từng viết: “Có những lần nằm nghe tiếng cười nhưng chỉ là mơ thôi”.
“… Maintenant que deviennent
Que deviennent les valses de Vienne?
Dis-moi qu’est-ce que t’as fait
Pendant ces années?
Si les mots sont les mêmes
Dis-moi si tu m’aimes…
Maintenant que deviennent
Que deviennent les valses de Vienne?
Et les volets qui grincent
D’un château de province?
Aujourd’hui quand tu danses
Dis, à quoi tu penses?”
“… Bây giờ đã ra sao
Những điệu Valses ở Viên năm cũ
Hãy nói với anh em đã làm gì
Suốt những năm tháng đó
Nếu những câu từ vẫn còn nguyên vẹn
Nói anh nghe, liệu em có còn yêu anh…
Bây giờ đã ra sao
Những điệu Valses ở Viên năm cũ
Những khung cửa sắt đã cọt kẹt đóng
Của lâu đài nơi một vùng quê
Ngày hôm nay, khi đang khiêu vũ
Hãy nói anh nghe, em nghĩ gì?”
Âm nhạc đổi nhịp qua điệp khúc với những câu hỏi day dứt của một trái tim tan vỡ: “Em còn nhớ hay em đã quên”. Tình yêu đến với sự đồng ý và yêu thương của cả hai người nhưng khi tan vỡ, chỉ cần một người dứt áo ra đi, còn người kia ở lại trong những hàng lệ chảy dài không dứt, những nỗi buồn khôn nguôi và sự lo lắng đã thành thói quen. Nỗi buồn trong hạnh ngộ có thể mơ thấy trong những giấc mơ khiến khuôn mặt người đàn ông tan tác, trái tim không còn nguyên vẹn, những mảnh rách của tâm hồn mãi không thể khâu vá, những hoài niệm cứ trở về trong những tiếng thở dài, trong khói thuốc, trong tiếng violin kêu sầu.
Tiết tấu nhạc nhanh không làm cho nỗi buồn vơi đi mà chỉ làm cho điệu Valse được chơi nhanh hơn. Trong những cái chớp mắt, người đàn ông nhìn thấy quá khứ, nhìn thấy nụ cười, thấy cô gái đang trong vòng tay mình nhảy điệu Valse thành Vienna đầy hạnh phúc, khuôn mặt cười như mùa hạ. Rồi lại một ánh chớp khác là hiện tại khi cô gái trong vòng tay đang nhảy với người đàn ông khác. Khi đã kiệt sức trong nỗi buồn bất tận vì một thực tế không cần trả lời, bản nhạc xoay lại những nhịp độ ban đầu.
“… Dans la Rome antique
Errent les romantiques
Les amours infidèles
S’écrivent sur logiciels
Du fond de la nuit
Remontent l’ennui
Et nos chagrins de mômes
Dans les pages du Grand Meaulnes…”
“… Tại thành Rome cổ kính
Những lãng mạn vẫn còn vấn vương
Và những cuộc tình không chung thủy
Dường như đã được lập trình
Từ sâu thẳm của màn đêm
Cứ dâng lên sự buồn chán
Và những u sầu thời ta còn thơ dại
Vẫn còn mãi trên trang sách Grand Maulnes…”
Một lần nữa, tác giả hay người đàn ông lại quay quắt trong nỗi dằn vặt của sự không chung thủy. Trong phim Fanfan, nhân vật của Sophie Marceau là một người tình sâu nặng. Cô yêu hết mình nhưng trớ trêu thay, chàng trai kia đã dự định lấy một phụ nữ khác. Trong tình huống như vậy, người đàn ông trong phim đã phản bội hai người phụ nữ.
Đĩa đơn "Les Valses de Vienne" của Francois Feldman phát hành năm 1989.
Đĩa đơn "Les Valses de Vienne" của Francois Feldman phát hành năm 1989.
Cả bản nhạc là những giai điệu nhanh, giọng của ca sĩ ấm vang và đều trên nền violin để từ đó một điệu Valse của hoài niệm được hình thành, được biểu diễn trong sự khắc khoải của tình yêu, sự đau khổ của cuộc đời trong những nụ cười đã trở thành ký ức xa xôi. Một bản nhạc giàu tính biểu cảm và cảm xúc đến từ bài hát sẽ không đến với người nghe ngay lần đầu tiên mà ngấm dần trong những mạch ngầm sâu kín của trải nghiệm, của những va vấp trong đời sống tình cảm.
Trong cái buồn khổ của một người đàn ông mất đi người mình yêu thương hết mực, vẻ đẹp của những hình ảnh ẩn dụ được tạo ra dẫn người nghe vào một thế giới châu Âu cổ kính, lãng mạn, giàu chất thơ, giàu nhạc điệu và rất buồn. Chính không khí ấy là một nét đặc sắc. Les Valses de Vienne chỉ là một bản pop ballad dựa trên giai điệu của một điệu nhảy đơn giản nhưng trong đó thấy được những bản nhạc cổ điển của Mozart, của Beethoven mà khi nghe, âm giai như vọng về từ đâu đó xa xôi, như một tiếng dội của quá khứ, của những lâu đài chìm khuất trong sương sớm.
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=v6mwqQvv99c]
H.X.T.K + La Larme
Bài đã đăng trên http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/lang-nhac/les-valses-de-vienne-dieu-valse-tinh-yeu-2954596.html

15 décembre, 2013

Ghi chép ở Amiens

Tôi trở lại Amiens vào một ngày đông tháng 12 rét mướt. Bước xuống sân ga lúc nửa đêm và thành phố khi nào cũng vậy, chào đón tôi với cơn gió nhẹ nhưng rét buốt thoảng qua khuôn mặt.

Amiens là một thành phố nhỏ phía Tây Bắc nước Pháp, thủ phủ của vùng Picardie, nơi 10 tháng trong năm là mùa đông, ngăn cách vùng Nord Pas de Calais bởi con sông Authie, cạnh vùng núi biển Normandie nổi tiếng mà từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn sang nước Anh bên phía kia bờ biển Bắc. Có thể nói tôi khá có duyên với nơi này khi mà trước đây, lúc tôi từng rong ruổi khắp mọi miền trên đất Pháp thì cái tên Amiens vẫn còn quá lạ lẫm. Vì lý do nào đó, tôi đã trở lại đây không dưới 3 lần.
Haute Picardie là một trong những cái nôi của lối kiến trúc Gothic, nơi xuất hiện nhiều nhà thờ và lâu đài đầu tiên trên cả thế giới sau khi những mái vòm của thời Trung Cổ không còn được ưa chuộng.

Kiến trúc Gothic với những mái vòm nhọn
Nhắc đến Amiens có lẽ phải nhắc ngay đến nhà thờ Notre Dame d’Amiens mà theo như người bạn tôi kể, nó được xem là “bà ngoại” của Notre Dame de Paris vốn dĩ đã trở nên quá kinh điển. Cũng phải thôi, nhà thờ Đức Bà ở Amiens được xây dựng vào thế kỷ thứ XIII, thời La Mã Gô Loa (roman-gaulois) và hoàn thành qua nhiều thế hệ. Tọa lạc ngay tại đây, không những là nhà thờ lớn nhất nước Pháp, 2 lần được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Notre Dame d’Amiens còn là sản phẩm tiên phong của giai đoạn kiến trúc Gothic cổ điển mà sau này trở thành đặc trưng của gần như hầu hết các ‘hậu duệ’ của nó trên xứ Gô Loa này, tạo nền tảng cho thời kỳ ánh sáng ‘gothic’ bùng nổ những năm 1300 ở cả châu Âu.
Tôi bị ấn tượng bởi vẻ đẹp cổ kính, hùng vĩ nhưng vẫn rất trầm. Lặng lẽ đứng giữa quảng trường rộng lát đá, ngôi nhà thờ tạo điểm nhấn đặc trưng cho thành phố nhỏ xinh này. Nằm ngay trung tâm thành phố, cạnh đó là trường đại học, khu mua sắm, chuỗi các nhà hàng quán bar,…nói chung là nơi tập trung nhộn nhịp và “vui vẻ” nhất ở đây, “đức mẹ Amiens” vẫn tạo nên được một hình ảnh cổ kính ngay giữa lòng thành phố mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự hiện đại nào xung quanh. Cái hay của vị trí này là bạn có thể đi dọc bất cứ nơi đâu trong Amiens đều có thể nhìn ngắm vẻ đẹp của ngôi nhà thờ. Thậm chí tôi lúc nào cũng thích ngắm nó ở bên hông, thấp thoáng sau những dãy nhà, tạo những đường sinh vừa tầm mắt đến cái kiệt tác uy nghi này hơn là ngay mặt tiền chính diện. Những mái vòm cung nhọn từng lớp cắt nhau một cách tinh tế, để ánh mặt trời chạy ngang chiếu qua khe hở, phản xuôi ngược đọng lại trên các cọc nhọn cứ như thể ánh sáng phát ra từ những viên đá của nhà thờ. Vào những buổi chiều hoàng hôn, Amiens phủ mình bởi lớp ráng vàng pha đỏ sau cơn mưa, hướng ánh mắt về phía mái vòm, là bạn đang ở giữa mảnh đất thần thoại của câu chuyện cổ tích. Trước khi đi vào con đường mà bạn tôi bảo là “gió lùa lạnh lẻo” nhất Amiens bên mép nhà thờ, tôi hay thích rẽ sang cái công viên be bé phủ cỏ xanh mướt, nơi tôi xem là chỗ view đẹp và rõ nhất của kiệt tác này. Mua một cốc cà phê nóng, cầm theo một quyển sách, chọn một gốc cây là tôi có thể ngồi “tự kỷ” cả buổi chiều trong ánh nắng vàng rực một khoảng đất, thi thoảng lướt qua kẻ lá, tạo một không gian quá hoàn hảo cho sự yên bình. Tôi cứ ngỡ mình đang ở trong khung cảnh “Love Story” của cô nàng Taylor Swift.

Nhà thờ Notre Dame d’Amiens
Nếu phải so sánh với Annecy, có lẽ cái tên “Venise của nước Pháp” xứng đáng hơn cho Amiens. Thành phố chằn chịt những con kênh nhỏ dọc ngang. Phố Saint-Leu nhấp nhô nhà cổ xây bằng gạch đỏ vàng nhìn xuống dòng nước êm trôi, thỉnh thoảng ta sẽ bắt gặp “cây cầu nhỏ cong cong” nối 2 bờ. Trừ con đường trải nhựa cho ô tô chạy trên trục chính, chủ yếu Amiens là những mặt đường lót đá cổ kính. Không có metro và tram, người dân thường đi bộ hay leo lên bus. Sự yên bình cũng được tìm thấy ngay giữa lòng thành phố khi mà đang dạo chơi, bạn có thể phải dừng lại để nghe đâu đó trên tán cây có tiếng chim hót ríu rít, bước ngang qua cầu với tiếng nước chảy róc rách êm êm.

Venise của nước Pháp
Trước đây tôi hay ở nhà một người bạn cách trung tâm thành phố tầm 20 phút đi bộ về phía Bắc. Từ nhà ga phải đi hết con đường lớn rồi dọc theo cái hồ bé giữa bờ cỏ xanh, dưới bờ hồ là con đường nhỏ, lác đác mấy cái ghế đá, cũng là đường chạy bộ của người dân nơi đây. Khu vực này hầu như lúc nào cũng chỉ thấy vài cụ bà chậm chạp kéo chariot đi chợ trong khi mấy ông tóc bạc phơ dắt chó đi dạo. Duy có một đêm hè cuối tháng tám, tôi từ nhà ga đi về dọc boulevard du Cange đến boulevard Baraban thì thấy nhộn nhịp, đèn tắt tối thui, chỉ nghe tiếng nhạc xập xình. Tôi thấy mình lạc vào một nơi toàn người là người, đèn lazer chiếu từng đường với hình thù khác nhau giữa lòng sông, đôi bờ là những con thuyền phát ra thứ ánh sáng yếu ớt đầy ma mị. Người dân nhảy múa reo hò. Hỏi ra thì mới biết mình đang ở “lễ hội nước” truyền thống (fete au bord de l’eau) diễn ra hằng năm tại Amiens. Thế là nán lại đôi chút, xem những gian hàng thủ công, các trò chơi dưới nước và có cả….múa lửa. Người ta bảo với tôi, đi ban ngày còn xem được cuộc diễu hành ngựa với các hoạt động tái hiện sản xuất những sản phẩm truyền thống xưa ở Amiens từ thời Trung Cổ. Boulevard du Cange và Boulevard Baraban là trục đường buôn bán sầm uất nhất của những nghệ nhân, thương nhân thời Trung cổ tại thành phố này. Giờ đây đã mọc lên những khu tái định cư và nhiều tòa nhà xây dựng mới. Xa xa vẫn còn tàn tích của một pháo đài cổ.
Ngược ra trung tâm thành phố, vẫn là những ngôi nhà cổ nhưng không khí có vẻ “trẻ trung” và nhộn nhịp hơn. Các quán bar dọc Saint-Leu đầy những sinh viên trẻ ngồi phơi nắng, hút thuốc. Con đường chính xuôi ngược xe cộ.
Vào những ngày cuối tháng 12, thành phố đông dân nhất xứ Picardie lại nô nức trong không khí lễ hội. Khi mặt trời tắt nắng là lúc Amiens lung linh những dây đèn nhiều màu sắc. Giáng sinh như thổi bừng thành phố bé nhỏ với chợ Noel, rượu nóng, các hàng thực phẩm nghi ngút khói cùng dòng người từ mọi nơi đổ về. Lũ trẻ chạy quanh khu vui chơi và xếp hàng dài chờ được lên tàu lượn. Mấy đôi thanh niên tay trong tay trên phố, các cụ già nhìn ngắm hàng hóa, lâu lâu buông vài lời nhận xét. Kẻ độc thân như tôi thì vẫn cứ lẳng lặng giữa phố quan sát mọi người, tận hưởng sự tự do, nạp năng lượng cho chính mình bằng sự vui nhộn xung quanh. Cũng chả trách mà một cụ ông xa lạ nào đó, có lẽ khách du lịch, đã kéo tôi lại khi tôi đang hoay hoay với cái máy ảnh của mình và bảo: “Ce n’est pas vraiment une petite ville, Amiens!” (thành phố quả không hề nhỏ bé như ta tưởng). Tôi nhìn sang ông và cười một cái thật tươi, trong đầu thầm nghĩ “nơi nào ta bước chân đến cũng đầy những sự thú vị”.

Một góc chợ giáng sinh
Tôi ghé chân qua cửa hàng bày bán đồ lưu niệm. Ông chủ cửa hàng hiếu khách giới thiệu cho tôi đủ loại sản phẩm của nhà ông. Người dân Amiens lúc nào cũng khiến tôi thật dễ chịu, họ nhiệt tình và cũng hiền lành nữa. Sau khi mất khoảng nửa giờ chỉ để chờ ông chủ trình bày xong bài “thuyết trình” của mình về các thứ bày bán trong tiệm, tôi gật gù nhưng không biết nên chọn thứ nào. Như đọc được suy nghĩ của tôi, ông bảo tôi chờ một lúc rồi vào nhà lấy ra một cái huy hiệu màu đỏ có hình lá cờ thành phố và chữ Amiens. Thế là tôi chỉ mua cho mình cái logo màu đỏ ấy rồi hì hục về khâu vào cái áo len yêu thích nhất của mình. Người ta bảo “vì trái tim nằm bên trái lồng ngực”, cho nên tôi đã có một chiếc áo len với Amiens bên góc trái.
Như mọi lần, tôi lại rời Amiens lúc mặt trời còn đang ngủ. Thành phố vùi mình trong lớp sương mù dày đặc. Đi qua những hàng cây, ánh đèn đường chiếu sáng khung cảnh Amiens bé nhỏ vẫn còn đang say ngủ khiến tôi lúc nào cũng phải mất một lúc mới thoát ra được cái không gian ảo dịu ấy. Khi chiếc xe lăn bánh ra khỏi địa phận thành phố cũng là lúc mặt trời như hòn lửa đỏ rực dần dần hiện lên phía chân trời, tôi lại tiếp tục rong chơi trên những con đường mới.

Công viên nhỏ với bãi cỏ xanh

Bên bờ Saint-Leu

Những con kênh và cây cầu nhỏ

Dù ở góc độ nào bạn vẫn có thể nhìn thấy Notre Dame d’Amiens khi đi dạo quanh thành phố

Amiens trên chiếc áo len yêu thích của tôi


H.X.T.K